Thứ sáu, 19/04/2024|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử Trường THCS Bồng Lĩnh - Vũ Quang - Hà Tĩnh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BÀI VIẾT VỀ NGƯỜI THẦY

      NÓI VỀ NGƯỜI THẦY NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20 THÁNG 11

      20 tháng 11 là dịp để các thế hệ học trò nhớ đến và tri ân các thầy giáo, cô giáo của mình, là dịp để ghi nhận những cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp trồng người của các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

        Trong cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” nhân kỷ niệm 39 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2021) do Liên Đội trường THCS Bồng Lĩnh tổ chức và phát động. Hình ảnh người thầy, người cô được xuất hiện trên các trang viết, trong các bài dự thi của học sinh, trong những cái tên được học sinh của mình nhắc đến nhiều nhất, ấn tượng nhiều nhất không ai khác chính là thầy giáo Lê Thọ Sơn: tổ trưởng chuyên môn - Khoa học Tự nhiên, giáo viên giảng dạy học bộ môn Toán, một giáo viên luôn được đồng nghiệp nể phục, học sinh quý trọng, phụ huynh tin tưởng bởi đức tính điểm tỉnh, hiền hậu, luôn tận tâm, tận tụy trong công việc, tận tình với học sinh. Nói nhiều về thầy nhiều người sẻ nghĩ là “tôn - bốc”, viết nhiều về thầy có người sẽ nghĩ là “nịnh – bợ”… Xin trích 1 phần trong bài viết của học sinh viết về thầy

“…Nếu có ai đó hỏi rằng: “Khoảng thời gian nào làm cho bạn trân trọng nhất?”, tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng: “Ngay lúc này!”. Đúng vậy, chính là khoảng thời gian này, những ngày tháng cuối cùng đời học sinh của tôi và các bạn tôi, tại mái trường THCS Bồng Lĩnh thân thương. Thời gian trôi nhanh không đợi một ai cả, 4 năm gắn bó với biết bao nhiêu kỉ niệm vui buồn đó sắp qua đi. Tôi bỗng cảm thấy man mác một nỗi niềm bâng khuâng khó tả. Bây giờ đang là tháng 11, tháng của sự biết ơn đối với các nhà giáo. Tôi muốn đặt bút để viết về một người thầy “mẫu mực”. Mẫu mực ở đây không phải quá hoàn hảo mà là mẫu mực ít nhất trong mắt tôi. Nếu thang điểm 100, tôi sẽ cho thầy tôi đủ 100 điểm. Đó chính là thầy Lê Thọ Sơn – giáo viên bộ môn Toán, cũng chính là giáo viên chủ nhiệm lớp tôi suốt bốn năm cấp 2.

     Thầy tôi là một người giản dị từ cách ăn mặc, cách nói chuyện đến cách mà thầy làm việc, cư xử, thầy dạy Toán – môn học mà tưởng chừng như khô khan, cứng nhắc nhưng con người thầy có vẻ cũng không giống môn mà thầy đang theo dạy, thầy nhiều lúc có vẻ hơi trầm tính vì thầy ít nói nhưng sau gần 4 năm chủ nhiệm lớp tôi thì thầy đã thay đổi khá nhiều, thầy cười nhiều hơn, thay đổi nhiều hơn, tôi cũng không biết vì ý do gì mà đã khiến thầy thay đổi nhiều như vậy, hay là do lớp tôi hay cười nên thầy cũng thay đổi nhỉ . Thầy tôi sinh năm 1977, năm nay đã 44 tuổi rồi, bản thân tôi thấy thầy là một người rất nhiều kinh nghiệm sống, thầy dạy chúng tôi nhiều điều hay, lẽ phải, dạy cách làm người, cách đối nhân xử thế, nhiều lúc tôi còn tưởng chuyên môn của thầy là Văn chứ không phải Toán, có lẽ đối với tôi từ trước đến nay thầy là người dạy tâm huyết nhất, thầy không quan trọng về tiền bạc và thời gian, thầy dành hết thời gian và công sức của mình để dành cho việc dạy học, thầy luôn tìm hiểu những kiến thức mới, phương pháp dạy mới để làm sao cho học sinh tiếp thu được bài nhanh và hiệu quả nhất, điều này làm cho tôi cảm thấy khâm phục thầy hơn bao giờ hết, thầy tôi đặc biệt như thế đấy, tôi cảm thấy tự hào về thầy, tự hào khi được làm học sinh của thầy, lớp tôi còn luôn tự hào khoe răng,”thầy chủ nhiệm của 9A mãi đỉnh nhé”. Chúng tôi có rất nhiều kỉ niệm về thầy, cũng như những cái nhìn đẹp về thầy.

        Những năm vừa qua lớp tôi đã tạo nên những kỉ niệm đẹp đối với thầy song cũng làm cho thầy buồn và suy nghĩ nhiều về lớp chúng tôi . Lớp 6-7-8 lớp tôi là lớp nổi bật trong trường về độ nghịch và quậy phá. Thầy Sơn trước đây khá hiền nhưng mấy năm nay tôi thấy thầy đã nghiêm khắc hơn nhiều 1 phần là do chúng tôi còn phần còn lại là do các thầy cô trong trường thường nói thầy quá hiền. Chắc thầy đã phải suy nghĩ và thay đổi rất nhiều.

     Không phải tự nhiên mà người ta nói: “Ngôi trường là mái nhà thứ hai của học sinh”. Tại đây, tôi và các bạn coi nhau như người nhà, chúng tôi thường hay gọi thầy Sơn là “bố”, thầy cũng hay gọi chúng tôi là “con”. Thầy cũng có lúc rất nghiêm khắc, hay quát mắng mỗi khi chúng tôi làm điều sai, lớp tôi cũng phải nói là một lớp cá biệt, nhiều bạn nghịch ngợm, không nghe lời, nhiều lần làm thầy buồn, tuy thầy tức giận quát mắng một hồi, nhưng chúng tôi biết thầy chỉ muốn tốt cho chúng tôi, muốn chúng tôi ngày càng trưởng thanh ! Khi lớn lên thì chúng ta mới biết những lời quát mắng ấy ý nghĩa vô cùng .

     Không chỉ sống tình cảm, hết lòng với học sinh, đối với môn Toán của mình, thầy cũng hết sức tâm huyết. Thầy dành rất nhiều thời gian để làm đề, sưu tầm đề, thầy khuyên chúng tôi không nên lười biếng, chịu khó học để mai sau không phải khổ. Nói đến làm đề, tôi chắc chắn đề của thầy tôi rất đặc biệt. Tài liệu thầy phát luôn có những câu nói nổi tiếng, những câu danh ngôn in ngay ngắn ở cuối đề hoặc giữa hai trang giấy: “Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”, “Cơm cha áo mẹ chữ thầy – Gắng công mà học có ngày thành danh”. Thầy rất tận tình và chu đáo nên các bạn có chỗ nào không hiểu hay thắc mắc thầy đều giảng dạy tâm huyết. Dạy học ở trường vất vả như thế, về nhà thầy vẫn dành nhiều thời gian buổi tối để “online” trả lời những thắc mắc của học sinh và những buổi tối thầy dạy online miễn phí cho lớp .

    Nhiều lúc tôi thường tự hỏi rằng “Tại sao thầy phải vất vả như vậy?”. Và thầy vẫn hay chia sẻ với lớp “Nếu còn cố gắng được thì mình phải cố, bây giờ có rất nhiều người cũng đang cố gắng như vậy, nên nếu mình dừng lại thì mãi ở sau họ mà thôi, không khá lên được”. Nghĩ đến thầy tôi lại nhớ đến câu “Có công mài sắt có ngày nên kim”, thầy tôi cứ “Tích tiểu thành đại”, tài liệu mà thầy làm cũng như sưu tầm được vô cùng nhiều, thầy cũng rất quan tâm đến việc học của học sinh. Lớp tôi năm nay cuối cấp, môn Toán của thầy rất quan trọng. Ở trong lớp thì cũng sẽ có bạn kém, bạn giỏi, bạn trung bình. Trong những tuần gần đây thầy đã bỏ thời gian 1 tuần 3 buổi vào các tối để nhằm việc dạy thêm kiến thức cho chúng tôi và dám sát chúng tôi học, điều đặc biệt là lớp học này hoàn toàn miễn phí, tiền tài liệu thầy không thu lấy một đồng, kể từ đó chúng tôi chăm chỉ hơn và cũng học tốt hơn. Tôi rất biết ơn thầy bởi không phải ai cũng hết lòng và tâm huyết được như vậy. Thầy tôi là người như vậy đấy, gần 4 năm gắn bó, càng ngày tôi càng biết ơn, khâm phục và kính trọng thầy hơn. Thầy luôn là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo. Chúng tôi đã, đang và sẽ luôn tự hào về thầy, tự hào vì được làm “con”, làm học sinh của thầy…”

(Trích bài viết của em Nguyễn Ngọc Khánh Huyền học sinh lớp 9A )

Khi nói về đồng chí, đồng nghiệp thì nhiều người cho rằng đồng chí Lê Thọ Sơn là một người hơi ít nói nhưng sống rất chân thành, tình cảm, trách nhiệm cao với công việc được giao. Bản thân tôi luôn kính trọng đồng chí của mình bởi sự giản dị, khiêm tốn, luôn sống hết mình, cống hiến hết mình nhưng không màng danh lợi. Trong đơn vị công tác từ những công việc khó khăn, vất vả đến những công việc nhỏ nhặt thường ngày cứ giao là đ/c hoàn thành, cứ gọi là đ/c đến dù đó là thời gian nào, trong hoàn cảnh nào….

Chúng tôi rất tự hào vì có được một đồng nghiệp như thế, tập thể sư phạm nhà trường luôn khắc ghi những đóng góp âm thầm, tích cực của đ/c cho sự phát triển của nhà trường. Nhân ngày nhà giáo việt Nam 20/11, xin chúc đ/c luôn bình yên, mạnh khỏe, luôn tận tâm, tận tụy, tận tình với nhiệm vụ và với học sinh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, cùng chung tay, góp sức đưa sự nghiệp trồng người của chúng ta ngày càng phát triển.


Tập tin đính kèm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 56
Hôm qua : 61
Tháng 04 : 627
Tháng trước : 356
Năm 2024 : 2.239
Năm trước : 6.638
Tổng số : 29.622